Văn hóa ngủ
” Mệnh lệnh không thể bắt người ta ngủ được, người ta chỉ có thể ngủ được khi nào buồn ngủ và trong lòng yên tĩnh”.
Đó là một lời trích từ câu chuyện nổi tiếng “Không gia đình” của đại văn hào Pháp Hector Malot. Đó cũng dường như là chân lý mà các cô giáo tại Casa Hanoi đặt tâm thế khi hỗ trợ giấc ngủ trưa của các con. Đặc biệt còn một điều quan trọng nữa trong giờ ngủ là: Tính trật tự tuyệt đối về nhịp điệu của thời gian và không gian.
Trong căn phòng yên tĩnh với những quả thông lấp lánh, đôi khi là những chiếc lá nhiều màu được gấp lại từ một bức vẽ cũ của các con buông lơ lửng và đung đưa dịu dàng trong những cơn gió nhẹ. Căn phòng ấy được đảm bảo độ sáng vừa đủ để giúp cho đồng tử mắt của trẻ từ từ chìm vào giấc ngủ. Căn phòng ấy cũng có tiếng nhạc nhỏ nhỏ, xa xăm mà du dương lắm. Có cả một một ô cửa chỉ được buông rèm một nửa để ánh sáng tự nhiên tràn vào căn phòng sau hàng trúc. Hai cánh cửa bước ra giàn trúc dù đã hạ rèm nhưng luôn mở để các con hít thở khí trời, để nghe tiếng lích chích của những chú chim trong vườn, tiếng gió thổi luồn qua kẽ lá.
Có những em bé, chỉ cần nghe cô kể xong một câu chuyện, đặt lưng xuống sau 10 giây là ngủ ngon lành, có những em bé rì rầm nói chuyện một lúc rồi cũng ngủ. Đấy, thế là những em bé này thực sự đã thấy buồn ngủ!
Cũng có những em bé, dù rất buồn ngủ, nhưng sao mà khó ngủ đến vậy (có lẽ là chưa “Yên Tĩnh Trong Lòng”) và Mat-xa, thủ thỉ là một cách thực sự hiệu quả với những cô bé/ cậu bé này. Trong tiếng nhạc du dương, sau giờ đọc sách, những “người lớn” trong gia đình Casa Hanoi sẽ đến bên nơi các con nằm và nhẹ nhàng mát- xa cho đứa trẻ. Mỗi lần mát-xa, cô đặt cả sự yên bình của mình vào đó, lắng nghe tiếng thở đều, ngắm nhìn khuôn mặt con; chỉ vậy thôi mà con chìm vào giấc ngủ ngon lành. Mát-xa cho con cũng là cơ hội cô và con kết nối trước giờ đi ngủ, những nhà nghiên cứu đã chỉ ra đây là một thời điểm tốt để khơi dậy nơi con những tình cảm sâu sắc giữa người với người khi da con và bàn tay cô tiếp xúc nhau, những lời thủ thỉ yêu thương sẽ đi vào tiềm thức của con và mang cho con một cảm giác yên bình. Cô bắt đầu những lời nhắn nhủ thì thầm trong khi xoay xoay những ngón tay bé bỏng: “Nh. M à, hôm nay con đã khiến cô rất tự hào vì đã giúp đỡ em Q. A”; “K.L ơi, lần sau con nhớ nói nhỏ nếu cần cô giúp nhé” … Những lời thì thầm ấy là cô thực sự dồn cả tấm chân thành, tình yêu thương của mình và cô tin nó sẽ hiệu quả.
Chuyện ngủ chưa dừng lại ở đó. Khi cả lớp đã ngủ ngon lành, những hơi thở đều đều chìm trong tiếng nhạc, thì vẫn có những anh/chị không thể ngủ. Chắc chắn là các anh chị ấy không buồn ngủ rồi, kết luận chỉ đơn giản là vậy, các con nằm giữ yên lặng thêm 15 phút nữa, đợi các em bé ngủ say thì các con sẽ đọc truyện nhé. Những quyển sách lúc này chưa bao giờ được nâng lên hạ xuống nhẹ nhàng đến vậy, đến cả lật trang sách cũng gần như không có một tiếng động. Yêu các con nhiều lắm. Dù không thể ngay và luôn, nhưng dần dần, từ trong tiềm thức các con sẽ hiểu ra rằng cần tôn trọng nguyên tắc chung và trân trọng giấc ngủ của người khác.
Có những ngày các con chơi mệt lử thì mới bật nhạc, cả lớp đã ngày khò khò. Cũng có một vài ngày trong năm, 1/2 lớp không ngủ được, nằm rì rầm, rì rầm, đôi khi đó là cả một ” bồ” kỷ niệm về thời thơ ấu.
Và như thế các con nhẹ nhàng đến với “những giấc mơ trưa đầy sắc màu” mà không hề phải ép buộc. Sau khi đã hiểu ý nghĩa của giấc ngủ trưa sẽ mang lại năng lượng và sự khoan thoái tinh thần cho cả một buổi chiều thỏa sức đam mê với giờ học mỹ thuật, cảm thụ âm nhạc, trượt patin hay tung tăng vận động ngoài trời, chơi những trò chơi mà con thích… và SỰ LỰA CHỌN LÀ THUỘC VỀ CÁC CON!